Cảm nhận nội dung sách yêu những điều không hoàn hảo
Bạn biết không, yêu thương là một môn học khó, cho dù mọi đứa bé sinh ra đều được bắt nguồn từ tình yêu thương và trưởng thành trong tình thương của rất nhiều người.
“Sống trên thế gian này, đừng mong chờ sẽ tìm được một nửa nào đó lấp đầy những phần còn thiếu trong bạn. Tình yêu lành mạnh chỉ hình thành khi bản thân ta đã vững vàng tròn trịa như trăng rằm và gặp được một vầng trăng rằm khác cũng tròn đầy như ta… cùng sáng trong và tròn trịa, cùng tôn trọng cá tính, sở thích của nhau và cùng chiếu sáng cho nhau trên một bầu trời.“
Theo một cách nào đó, chúng ta vô thức rào tình thương của mình bằng những điều kiện, mà muốn gỡ bỏ chúng, những người xung quanh, và cả bản thân ta, phải vượt qua quá nhiều thử thách, đôi khi nhận về sự tổn thương.
Download yêu những điều không hoàn hảo PRC.
Nhận diện và gỡ bỏ những điều kiện đó, là những gì mà cuốn sách này làm được, ít nhất là đối với những ai đang muốn mở lòng yêu thương vô điều kiện, hay lòng bác ái, bao dung. Không thì ít ra, những dòng tản mạn cỏn con cùng những câu chuyện đời thường cũng giúp bạn xoa dịu nỗi cô đơn vì nghĩ rằng ta không là người duy nhất mắc kẹt trong tình huống này.
Tác phẩm dạy yêu thương theo lối viết tản mạn
Lời tựa của cuốn sách có viết, “Làm sao để chấp nhận chính mình trong một thế giới tuyệt vọng phấn đấu cho sự hoàn hảo”, cũng đã chỉ ra một trong những rào cản đầu tiên bắt nguồn từ guồng quay của xã hội, hay có thể hiểu là tha lực, khiến cho đại chúng phải cuống cuồng chạy đi tạo ra giá trị để được xã hội công nhận. Đại đức Hae Min là người Hàn Quốc, và dễ hiểu vì sao ông lại chọn chủ đề “Chấp nhận bản thân” cho cuốn sách này.
Nhưng sâu xa hơn, người đọc có thể thấy được, không chỉ dạy cách chấp nhận chính mình, mà các câu chuyện, lời khuyên của Đại đức còn tháo gỡ nhiều nội kết khác trong lòng ta qua lăng kính của lòng từ ái: như xử lý các cảm xúc phật lòng, nỗi u sầu uất ức, sợ hãi, sự tha thứ… bằng thói quen quan sát, lắng nghe, và chiêm nghiệm.
Thay vì giảng dạy các pháp môn của Phật giáo, Đại đức Hae Min đã chọn “thuyết pháp” bằng cách kể chuyện thế tục với ngôn ngữ đời thường.
Cuốn sách dày gần 300 trang, 8 chương, cấp độ nhận thức từ thấp đến cao, bắt đầu từ những chủ đề dễ hiểu dễ thấm đến cuối cùng cần sự tập trung đào sâu vào bên trong. Bố cục mỗi chương bao gồm các câu chuyện diễn ra trong đời sống hằng ngày của chính Đại đức, sau đó đến các lời khuyên, nhận định ngắn gọn, tản mạn do Đại đức chiêm nghiệm mà ra. Mặc dù nội dung được phân bổ khá dễ chịu đối với đọc giả, nhưng nếu đọc hết cuốn sách trong một, hai ngày, bạn sẽ khó đúc kết và thực hành được gì cho bản thân. Vì mỗi chủ đề gắn liền với từng giai đoạn khác nhau của đời người, dù vẫn xoay quanh các tổn thương bên trong do thói quen phớt lờ, đè nén cảm xúc của chúng ta. Thay vào đó nếu chậm lại một chút, bạn hoàn toàn có thể nâng cấp từ mức độ định vị bản thân, chấp nhận bản ngã, và cuối cùng có thể yêu những điều không hoàn hảo của bản thân và những người xung quanh bạn.
Trị liệu tâm hồn và uốn nắn nghệ thuật sống
Đời sống xã hội gắn liền với tập tục, văn hóa ràng buộc đại chúng vào nghĩa vụ phát triển cộng đồng bằng cách không ngừng chuẩn bị và chạy theo những xu hướng của nền kinh tế, nền chính trị quốc gia. Dần dần, người ta đánh mất khả năng tận hưởng cuộc sống trong một, hai phút rảnh rỗi và việc tìm lại bình yên trong tâm hồn chỉ dành cho những ai gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần. Người ta cũng thường tin rằng chỉ cần tạo ra giá trị vật chất và sự quảng giao là hoàn thành bài học yêu thương chính mình. Nhưng có một đoạn thế này:
“Những cảm xúc mà ta đang cảm nhận không phải là những thứ vụn vặt có thể làm lơ, ngược lại chúng vô cùng quan trọng và luôn cần được quan tâm tới. Hơn nữa, những cảm xúc đó sẽ không biến mất dễ dàng cho dù ta có đè nén hay lờ chúng đi. Rất nhiều vấn đề tâm lý nảy sinh bắt nguồn từ thói quen tự đè nén cảm xúc khiến năng lượng của những cảm xúc bị đè nén không được giải phóng khỏi tâm trí một cách lành mạnh.”
Đoạn này là lời khuyên dành cho những người hiền lành thường có xu hướng làm theo ý những người xung quanh hãy từ bỏ thói quen nhẫn nhịn ấy đi, và hãy bắt đầu học cách lắng nghe bản thân. Nhưng diễn giải sâu hơn một chút, nếu bạn cũng có những cảm xúc uất ức (hoặc không hài lòng) tương tự, và chúng cứ vi tế lặp đi lặp lại dù sự việc đã được giải quyết từ lâu, thì hãy chấp nhận rằng bạn vẫn còn khúc mắc trong sự việc đó và dành thời gian chiêm nghiệm lại, tìm hiểu xem nội kết trong bạn bắt nguồn từ đâu. Nếu không, bạn vẫn sẽ rơi vào trạng thái cũ khi những tình huống tương tự lại tiếp diễn trong tương lai.
Trong rất nhiều chương sách, vừa trực tiếp vừa gián tiếp bằng cách thuật lại cách cư xử của mình, Đại đức Hae Min luôn nhắc nhở người đọc đừng phớt lờ những cảm xúc “vụn vặt” cá nhân. Vì từ chính lúc đó, tâm hồn bạn trở nên thứ cần được trị liệu rồi.
“Bên dưới cơn phẫn nộ của mình tôi cảm nhận được nỗi buồn và sự đau khổ, và khi tiếp tục nhìn ngắm kỹ với ánh mắt từ bi độ lượng tôi đã nhận ra bắt sâu dưới gốc rễ của cơn phẫn nộ ấy chính là nỗi cô đơn và sợ hãi những cuộc đoạn tuyệt.”
Sẽ thật gượng ép nếu nhận định cuốn sách là một giáo trình dạy về nghệ thuật sống, vì những gì Đại đức chia sẻ chỉ là kinh nghiệm sống của ngài. Nhưng lối sống của một nhà sư lại có nhiều điểm đáng học hỏi. Nếu nghĩ xuất gia là sống cuộc đời an nhàn vô vi thì chưa hẳn đúng. Công việc của một nhà sư, theo như cuốn sách thể hiện, đó là thông qua các trao đổi trong cuộc sống thường nhật, tìm cách đối trị những xúc tình tiêu cực và chọn lọc hạt giống nào có thể nuôi dưỡng hạnh phúc thật vững vàng. Có nghĩa là, người xuất gia cũng làm việc, cũng tương tác và duy trì các mối quan hệ, cũng tạo ra những giá trị, nhưng chúng không thể đong đếm ở cấp độ vật chất.
Có những tình huống khó xử rất đỗi đời thường mà đại chúng sợ phải đối mặt, được đề cập và phân tích sâu trong tác phẩm có lẽ sẽ giúp tháo gỡ nội kết, khúc mắc cho rất nhiều người.
“Tuy nhiên khác với những cảm xúc khác, “phật lòng” là cảm xúc khá kỳ lạ, nếu bộc lộ ra ngoài ta sẽ dễ cảm thấy bản thân mình nhỏ nhen, nhưng nếu cứ im lặng không nói thì cảm xúc này sẽ liên tục bị dồn nén khiến ta mệt mỏi, không biết cư xử sao cho phải. Ấm ức thì còn có thể nói rằng mình ấm ức, buồn cũng còn có thể vì buồn mà khóc, còn “phật lòng” lại chỉ có thể giữ trong lòng, rất khó để giải quyết thứ cảm xúc này cho thỏa đáng.”
Ít ai chấp nhận chịu thiệt thòi hoặc không đưa ra những điều kiện ngầm trước khi trao đi sự quan tâm, nhưng không phải người tiếp nhận nào cũng nhìn ra điều đó. Suy cho cùng, con người cũng chỉ là những cá thể dễ tổn thương và rất thích “nhảy cóc” trong việc học về thương yêu. Đối với Đại đức, có lẽ cách tốt nhất để tránh rơi vào vòng tròn luẩn quẩn này, chính là học cách bày tỏ tình thương sao cho chân thật và phải cố gắng thấu hiểu được đối phương đã trải qua những gì dẫn đến hành xử như vậy. Trong Phật giáo, người ta thường gọi là mở lòng từ bi bằng con mắt trí tuệ, sẽ giúp có được tình thương vững vàng.
Cho dù diễn biến ra sao, cuối cùng vẫn hãy chọn yêu thương
Ảnh tranh sơn dầu được chèn ngẫu nhiên ở mỗi chương ngoài giá trị thẩm mỹ, tạo những khoảng không cần thiết để độc giả “thở” giữa các trang sách nhiều tầng lớp ý nghĩa, còn là một công cụ để tác phẩm truyền tải các thông điệp ẩn dụ mà đọc đi đọc lại, chung quy vẫn là: bạn sẽ không thể kiểm soát mọi việc đúng theo ý mình, đôi khi chúng sẽ diễn biến theo hướng tồi tệ nhất bạn từng dự đoán; dù vậy bạn vẫn còn có thể dụng được năng khiếu thiên bẩm của mình để giải phóng khỏi tình huống đó: tình yêu thương.
Mỗi chương sách sẽ khuyên bạn chọn đối tượng thương yêu một cách thông minh. Ví như những lúc bị đả kích, hãy ôm ấp vết thương của mình, hãy học cách thừa nhận, hít thở sâu thật nhiều, tách mình ra khỏi tổn thương đó để quan sát, ôm ấp, vỗ về nó và dùng nó làm nền tảng cho mọi sự thấu hiểu đối phương sau này.
“Mong sao cho nỗi đau của ta lúc này
Sẽ là cơ hội đánh thức lòng từ bi trong ta
Khi hướng đến người khác.
Mong sao thông qua nỗi đau
Ta có thể nuôi lớn lòng bao dung
Để có thể ôm lấy nỗi đau của người khác.
Mong sao nỗi đau của người khác sẽ nhanh chóng được chữa lành
Như ta cầu nguyện cho nỗi đau của chính mình.”
Suy cho cùng, điều bất như ý là tác động bên ngoài, nhưng ngẫm kỹ một chút, việc định danh nó là “bất như ý” xuất phát từ nội tâm của bạn.
Có một thực trạng trớ trêu là, chúng ta biết rằng con người không thể chạy nếu chưa học giữ thăng bằng, nhưng lại tin rằng mình có thể trao đi yêu thương trước khi học cách bảo toàn nó khỏi những bấp bênh trong cuộc sống. Vì vậy, từ những lần bị thương đầu tiên, chúng ta đã vô tình dựng lên nhiều cơ chế phòng thủ và phản kháng tinh vi, khiến thứ cảm xúc thuần khiết nhất cũng không thể len lỏi vào ra. Những lúc này, hãy chấp nhận rằng “những thất bại như hôm nay sẽ còn tìm đến hàng chục lần nữa trong cuộc đời bạn”, nên hãy kiên nhẫn dùng “từ” (từ bi, từ ái, bác ái, bao dung, vị tha) để tự chữa lành cho chính mình. Và quan trọng nhất, là hãy đề cao tinh thần thực hành và dấn thân.
“Luôn có một khoảng cách giữa “biết” và biến điều bạn “biết” ấy thành hành động.
Bởi vậy bạn không thể ngay lập tức được chữa lành và trở nên hạnh phúc
Chỉ nhờ vào đọc sách
Hay được ai chỉ bảo.
Khi bạn từng bước hành động hóa những điều bạn biết và ứng dụng vào cuộc sống của mình
Những thay đổi rõ rệt sẽ xuất hiện. Việc này cần rất nhiều quyết tâm và nỗ lực.
Đây chính là đạo lý được thể hiện qua hình ảnh người am hiểu Phật pháp – Văn Thù Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát – người hộ vệ của những ai tuyên giảng đạo pháp.”
Website chia sẻ Ebook miễn phí hay nhất: https://taiebook.vn/
Các bài viết khác
- Top những trang web đọc truyện chữ online được yêu thích nhất
- Đọc Truyện Tranh Online Tại mangatruyentranh.com - Nơi Tập Hợp Những Câu Chuyện Hay Nhất
- Truyện Tiên Hiệp là gì? Tại sao bạn thích đọc truyện Tiên Hiệp?
- Thế giới truyện tranh Nhật Bản: Khám phá vô vàn thể loại trong danh sách manga hấp dẫn
- Slide Bài Giảng PowerPoint – Giải Pháp Tối Ưu Cho Giảng Dạy Hiện Đại
- Giới thiệu Truyenchu.com.vn - Truyện Chữ Đa Dạng Thể Loại